Nhiều người thích trồng cây xanh thường ra cửa hàng hoặc nhà vườn mang về một chậu cây rồi trồng trong nhà mà không tìm hiểu kỹ đặc điểm sinh trưởng và cách chăm sóc cây. Điều này khiến cây nhanh chết hơn, kể cả những loại cây có dễ trồng.

Tác dụng của trồng cây xanh trong nhà
Các chất ô nhiễm trong nhà đến từ thảm, sợi, amiăng, khói, bụi, vi khuẩn, nấm hay các loại hóa chất khác. Cây cảnh trồng trong nhà có thể phần nào loại bỏ được những khí độc hại đó. Một số cây xanh có cơ chế sinh học ngược CAM còn hấp thụ cacbonic và cung cấp oxy cả ngày lẫn đêm cho con người, cải thiện giấc ngủ cho chúng ta.
Ngoài việc thanh lọc không khí, nghiên cứu đã chỉ ra rằng cây trồng trong nhà có tác động tích cực đến quá trình suy nghĩ tâm lý của chúng ta. Nó giúp tăng khả năng suy luận, khả năng nhận thức và cải thiện các mối quan hệ xã hội của chúng ta.
Ngoài ra, rất nhiều người chuộng trồng cây xanh trong nhà bởi ý nghĩa phong thủy của cây. Từ cây trừ tà, xua đuổi bùa chú như Lưỡi Hổ, Thiết Mộc Lan; đến cây mang lại bình yên, hòa thuận êm ấm như Lan Ý, Ngũ Gia Bì; rồi cây giúp gia chủ thêm tiền tài phú quý như Kim Ngân, Kim Tiền hay thành công đỗ đạt thăng tiến như Trạng Nguyên, Hồng Môn.

Cung cấp đủ lượng nước cho cây xanh
Quan trọng nhất của chăm sóc cây cảnh trong nhà là cung cấp đủ lượng nước cho cây. Để làm được điều này, người trồng cần nắm vững đặc tính của cây cảnh là cây thích ẩm ướt hay chịu hạn. Cây ưa ẩm cần lượng nước nhiều hơn, các cây mọng nước thì phải tưới nước cách nhau và giữ đất khô thoáng.
Bạn có thể quan sát bằng mắt thường bề mặt đất trong chậu, nếu đất trở nên nhạt màu hoặc hơi nứt thì nên tưới nước. Hoặc dùng tay ấn vào trong đất để cảm nhận độ khô của đất mà kịp thời cung cấp nước cho cây. Lưu ý, chỉ sử dụng nước sạch, không nhiễm mặn nhiễm phèn hay axit. Đồng thời, nước cần ở nhiệt độ thường, không dùng nước lạnh (nước đá) hay nước nóng để tưới cho cây.
Cây thiếu nước sẽ vàng lá hoặc chuyển nâu, khô khốc không sức sống, teo tóp và phát triển chậm. Cây thừa nước thì lại úng nhũn, hư thối. Để tưới đủ nước mà không gây ứ đọng, bạn cần chọn chậu trồng cây có lỗ thoát nước dưới đáy chậu. Hãy ghi nhớ rằng, các chậu trồng từ vật liệu như nhựa, kim loại và thủy tinh sẽ gần như không hấp thụ được nước như gốm hoặc đất sét. Do đó, nếu trồng cây ưa khô hạn như Xương Rồng, Sen Đá thì chậu đất nung là tốt nhất.

Đáp ứng đủ lượng ánh sáng cần thiết
Bất kỳ loài thực vật nào cũng đòi hỏi ánh sáng mặt trời để trải qua quá trình quang hợp. Chất lượng, thời gian và cường độ ánh sáng đều ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Tùy loại cây cảnh mà cần ánh sáng nhiều hay ít. Và cũng có những loại sống tốt trong bóng râm nhưng vẫn cần ánh sáng.
Chăm sóc cây cảnh trong nhà đơn giản hơn nhiều bởi cây không cần ánh nắng mặt trời trực tiếp, lại kỵ nắng gắt. Thay vào đó, chỉ nên đặt cây ở nơi có ánh sáng gián tiếp như cửa sổ, ban công, … Hoặc dùng đèn huỳnh quang để chiếu cho cây. Những cây cảnh cho hoa như Mai Vạn Phúc, Lan Ý thì cần đem ra nắng để hoa được nở đẹp. Cây cảnh lá màu như Vạn Lộc, Phú Quý, Ngọc Ngân chỉ cần vài giờ chiếu sáng mỗi ngày.
Tránh di chuyển cây xanh trong nhà quá nhiều
Kể cả con người cũng cần có thời gian để thích nghi với điều kiện mới và nếu thay đổi quá đột ngột thì dễ bị sốc phản vệ. Thực vật cũng vậy, nên tránh sự di chuyển thường xuyên. Nhất là từ trong bóng tối mang ra nơi có ánh nắng gắt. Bên cạnh đó, đặc biệt tránh việc cây đang phơi nắng mà tưới nước, chẳng khác nào muốn “luộc chín” cây vậy. Muốn tăng hay giảm nhiệt độ, ánh sáng tác động lên cây đều cần làm từ từ.