Nhiều người rất thích trồng cây trong nhà, nhất là phòng khách và phòng ngủ. Tuy nhiên, việc trồng cây trong phòng ngủ gặp nhiều bất lợi:
Ban đêm cây trồng trong phòng ngủ hấp thụ khí oxy và thải ra cacbonic làm không gian căn phòng ngột ngạt, ảnh hưởng đến giấc ngủ
Phòng ngủ thuộc tính âm, trầm, cần yên tĩnh, thư thái. Cây xanh lại sinh trưởng, phát triển, chuyển động, thuộc tính dương
Cây xanh có thể thu hút muỗi và côn trùng đến trú ngụ, rụng lá gây mất vệ sinh, tạo nên vi khuẩn, mầm bệnh tấn công con người
Vậy thì, phải chăng không có cây nào trồng được trong phòng ngủ? Đừng vội từ bỏ ý định, hãy thử tham khảo bài viết sau, biết đâu bạn sẽ tìm ra được ý tưởng hay giải quyết vấn đề.
Nguyên tắc 1: Chọn cây có cơ chế sinh học ngược (thực vật CAM)
Thực vật CAM hay quang hợp CAM (Crassulacean acid metabolism) có nghĩa là trao đổi chất acid Crassulacea.
Nói một cách dễ hiểu thì những thực vật CAM có cơ chế sinh học ngược so với đa số loài thực vật. Chúng đóng kín các khí khổng (dùng để hấp thụ cacbon dioxit) vào ban ngày ngăn cản quá trình thoát hơi nước để giữ nước cho thân.
Vào ban đêm lạnh và ẩm hơn thì khí khổng sẽ được mở ra để “nhả” khí Oxi và hấp thụ cacbon dioxit. Những cây này rất thích hợp trồng trong phòng ngủ vì sẽ làm tăng lượng oxy, đồng thời lọc và giảm bớt các khí độc hại nếu có.
Một số gợi ý như: cây Lưỡi Hổ, cây Lan Chi (Dây Nhện), cây Nha Đam, cây Dứa Cảnh, cây Ngọc Bích, …
Nguyên tắc 2: Chọn cây phải có kích thước và hình dáng phù hợp
Phòng ngủ thường là nơi có không gian khép kín và diện tích hạn chế. Ngoài giường, có thể còn có bàn trang điểm, ghế dài để đọc sách hoặc tủ đựng quần áo. Do đó, cây trồng trong phòng ngủ nên là những cây có kích thước vừa phải, trồng trong chậu mini, để bàn được càng tốt.
Tránh trồng cây có thân to, tán lá sum sê, tua tủa, nhiều hoa hay quả, dễ rụng lá. Đặc biệt, tuyệt đối không trồng những cây chứa độc tố, hoặc thân cành quá nhọn hoặc có gai.
Nguyên tắc 3: Tìm hiểu kỹ về cách chăm sóc cây trồng
Phòng ngủ thường là nơi khép kín, ít gió ít nắng nên việc trồng cây rất khó. Cây trồng ở phòng ngủ càng dễ chăm sóc càng tốt. Nên chọn những cây chịu bóng, sống được dưới ánh đèn huỳnh quang, chịu hạn tốt, không cần độ ẩm cao.
Trước khi chọn cây trồng ở phòng ngủ, bạn cần tìm hiểu kỹ về cách chăm sóc cây. Việc chăm sóc cây thường xuyên sẽ giúp phát hiện sâu, bệnh của cây để xử lý kịp thời, ngăn chặn vi khuẩn phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe của người trồng.
Mỗi một tuần bạn cần đem cây ra ngoài trời phơi nắng nhẹ cho cây phát triển tự nhiên. Nếu cây xuất hiện sâu bệnh hoặc nấm mốc thì dùng dụng cụ làm vườn bắt sạch, dùng nước vôi, oxy già hoặc nước muối lau rửa lá.
Tuyệt đối không xịt thuốc trừ sâu trong phòng ngủ, có thể thay thế bằng thuốc xịt muỗi. Cũng có thể đem cây ra ngoài trời hẵng xịt, đợi bay hết thuốc thì lau sạch lá và mang lại vào phòng. Nếu tình trạng sâu bệnh vẫn còn, bạn nên bỏ cây đó không trồng nữa, để đảm bảo không tác động xấu đến sức khỏe con người.
Nguyên tắc 4: Chọn cây trồng có hương sắc dễ chịu
Phòng ngủ là nơi cần sự nhẹ nhàng, yên tĩnh, thư thái để có giấc ngủ sâu. Nếu bạn trang trí hay trồng cây có màu sắc sặc sỡ, mùi hương quá nồng có thể gây khó ngủ, thậm chí mất ngủ. Lời khuyên đưa ra là, nên chọn những cây có màu nhẹ nhàng, hoa lá màu trắng, kem, pastel. Nếu cây có mùi thơm thì nên dịu nhẹ, có thể an thần, giúp dễ ngủ.
Nguyên tắc 5: Đừng tạo một khu vườn mini trong phòng ngủ
Phòng ngủ là nơi dành để nghỉ ngơi thư giãn, do đó không nên trồng quá nhiều cây. Không ai khuyến khích bạn tạo ra một khu vườn mini trong phòng ngủ cả. Chỉ nên trồng tối đa 3 – 4 chậu nhỏ, tỉa cành lá thường xuyên để tránh cây mọc um tùm. Những chậu cây cảnh mini để bàn là lựa chọn hợp lý nhất.